5 vấn đề kinh tế - xã hội nổi bật năm 2019 - PAPI

5 vấn đề kinh tế – xã hội nổi bật năm 2019

14/03/2020

1. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định
Năm 2019 tiếp tục chứng kiến kinh tế Nghệ An giữ đà tăng trưởng ổn định. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2019 đạt 88.258 tỉ đồng, tăng 9% so với năm 2018. Thuế sản phẩm đạt 4.382 tỉ đồng, tăng 12,2% so với năm 2018. GRDP bình quân đầu người năm 2019 đạt 41 triệu đồng; thu ngân sách cả năm 2019 đạt 15.500 tỉ đồng, đạt 114,8% dự toán và tăng 10,2% so với năm 2018. Tuy nhiên, trong năm qua, yếu tố thời tiết bất lợi cộng với tác động của tình hình dịch bệnh nên nhiều lĩnh vực sản xuất của người dân bị ảnh hưởng. Với sự vào cuộc kịp thời, chủ động của các cấp, ngành, địa phương, dịch tả lợn châu Phi đã được bao vây, khống chế kịp thời, hạn chế lây lan ra diện rộng. Trên lĩnh vực hoạt động thương mại và thị trường sôi động, hàng hóa đa dạng, phong phú. Hạ tầng thương mại ngày càng phát triển và hoàn thiện, góp phần làm thay đổi diện mạo, dịch vụ thương mại ở đô thị, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, tài chính cũng ghi nhận những kết quả ổn định, toàn diện.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm hỏi bà con trên địa bàn xóm Tân Lập 1, xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc

2. Dấu ấn năm cải cách hành chính

Năm 2019 được Nghệ An xác định là năm “Cải cách hành chính”. UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm “Năm cải cách hành chính” 2019 gắn với kiểm tra, đốc thúc việc thực hiện. Nhiều nhiệm vụ đã đuợc triển khai quyết liệt như: Thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An; tập trung chỉ đạo tốt 7 đơn vị điểm cải cách hành chính; chỉ đạo thanh tra thực hiện trình tự, thủ tục hành chính 10 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An tại các cơ quan, đơn vị; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị; nhiều đơn vị, địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính… So với các địa phuơng trong cả nước, Nghệ An tiếp tục khẳng định nỗ lực trong cải cách hành chính, tăng cường phục vụ nhân dân. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 2 bậc, xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố; chỉ số cải cách hành chính (Par-Index) tăng 2 bậc, xếp thứ 29/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng 40 bậc, xếp vị trí 4/63 tỉnh, thành phố.
3. Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Tiếp nối chương trình “Gặp mặt các nhà đầu tư đầu xuân” truyền thống được tổ chức hàng năm tại Nghệ An, đầu năm 2019, Nghệ An tổ chức “Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Kỷ Hợi” nhằm tri ân các nhà đầu tư, doanh nghiệp có nhiều đóng góp với phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Nghệ An trong thời gian qua. Đồng thời, kết nối đầu tư, quảng bá hình ảnh Nghệ An đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã mang lại kết quả tích cực: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 19, tăng 2 bậc so với năm ngoái; tiếp tục đứng đầu trong 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Công tác xúc tiến đầu tư được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành, các cấp; chú trọng xúc tiến các nhà đầu tư chiến lược. Ngoài tổ chức thành công Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Kỷ Hợi 2019, Nghệ An chủ động quảng bá, thu hút đầu tư trong và ngoài nước” Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản – Khu vực Bắc Trung Bộ”, phối hợp với Tập đoàn VSIP tổ chức xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc; tổ chức xúc tiến đầu tư tại TP Hồ Chí Minh, xúc tiến đầu tư vào TP Vinh; Hội nghị Hợp tác phát triển với các địa phương như TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, tỉnh Hà Tĩnh. UBND tỉnh đã phân công theo dõi triển khai các dự án, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ các nhà đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư đã được cấp phép, các dự án đã ký kết, nhất là các dự án, công trình trọng điểm. Đến nay, Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút 225 dự án; hiện đã có 123 dự án đi vào hoạt động, góp phần tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm và thực hiện an sinh xã hội. Tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp để thu hút đầu tư; các cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 250 doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Khai trương Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Nghệ An

4. “Quả ngọt” sau 10 năm xây dựng nông thôn mới

Trong năm 2019, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được các địa phương chỉ đạo quyết liệt, đạt được nhiều kết quả; trong đó tập trung chỉ đạo 39 xã đã đăng ký đạt chuẩn năm 2019. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 258/431 xã đạt chuẩn NTM  (được UBND tỉnh công nhận), chiếm 59,9%; số tiêu chí bình quân các xã đạt 16,1 tiêu chí/xã, tăng 0,73 tiêu chí/xã so với năm 2018; có 4 đơn vị cấp huyện (TX Thái Hòa, TP Vinh, huyện Nam Đàn, Yên Thành) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, đạt chuẩn NTM. Cũng trong năm 2019, Nghệ An đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng NTM. Với sự chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, sự đầu tư nguồn lực đúng trọng tâm, trọng điểm nên kết quả xây dựng NTM mà Nghệ An đạt được đồng đều và toàn diện.
Bình quân toàn tỉnh hiện đạt gần 16 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí. Năm 2020, Nghệ An tiếp tục phấn đấu có thêm 25 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn của toàn tỉnh lên trên 65%. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý giao Sở Nội vụ tham mưu phát động và tổ chức phong trào thi đua “Nghệ An cùng cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021 – 2025; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng phong trào xây dựng NTM để kịp thời tôn vinh, biểu dương, ghi nhận những tập thể, cá nhân điển hình có thành tích tiêu biểu và có nhiều đóng góp trong thực hiện Chương trình. Mục tiêu đặt ra là xây dựng NTM không được nợ đọng xây dựng cơ bản và tiêu chí nào cũng quan trọng, không được xem nhẹ tiêu chí nào. Căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương để lựa chọn tiêu chí thực hiện phù hợp.
5. Tập trung triển khai kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính
Năm 2019, Nghệ An tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành triển khai các nội dung về sắp xếp, tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII); xây dựng các đề án sắp xếp, tổ chức bộ máy theo chuyên ngành. Theo đó, đã tiến hành rà soát, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức hợp nhất, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập để thu gọn đầu mối, giảm biên chế. Tỉnh đã xây dựng xong Đề án về sắp xếp lại tổ chức, hợp nhất 5 ban quản lý dự án của 4 sở (Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa và Thể thao, Xây dựng) thành 1 ban quản lý dự án trực thuộc tỉnh. UBND các huyện, thành phố, thị xã đang xây dựng đề án sắp xếp lại ban quản lý dự án cấp huyện và chuyển đổi thành đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên theo Nghị định 59/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 16 của Bộ Xây dựng. Nghệ An cũng tập trung triển khai kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021. Sau khi sắp xếp, toàn tỉnh còn lại 460 xã, giảm 20 xã. Toàn tỉnh hiện có 5.884 xóm, thôn, khối, trong đó có 3.708 đơn vị thuộc diện sáp nhập, sau khi sáp nhập sẽ giảm 1.991 đơn vị, còn lại 3.893 xóm, thôn, khối, bản.

Highlights
5 vấn đề kinh tế - xã hội nổi bật năm 2019 - PAPI
Đăng ký Email

để tham dự lễ công bố báo cáo PAPI 2019