PAPI 2021: COVID-19 tác động lớn đến hiệu quả quản trị cấp tỉnh - PAPI

PAPI 2021: COVID-19 tác động lớn đến hiệu quả quản trị cấp tỉnh

10/05/2022

Theo Báo cáo PAPI 2021, đại dịch COVID-19 trong năm qua đã tác động đáng kể đến hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền ở nhiều lĩnh vực và ảnh hưởng tới điểm số ở nhiều chỉ tiêu trong PAPI. 

PAPI 2021: COVID-19 tac dong lon den hieu qua quan tri cap tinh hinh anh 1
(Ảnh minh họa: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngày 10/5, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cùng các đối tác đã công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2021.

Buổi lễ được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do hai đợt dịch COVID-19, chương trình nghiên cứu PAPI đã lấy được ý kiến của 15.833 người dân trên cả nước, nhiều nhất kể từ năm 2009 (khi nghiên cứu PAPI bắt đầu được thực hiện) tới nay, nâng tổng số người dân được PAPI phỏng vấn trong 13 năm qua lên tới 162.066 lượt người.

Cùng với đó, đây là năm đầu tiên, khảo sát PAPI tiến hành phỏng vấn đối với nhóm đối tượng người dân di cư, với sự tham gia của hơn 1.000 người di cư từ 12 tỉnh.

Những người tham gia khảo sát được lựa chọn ngẫu nhiên từ mọi tầng lớp dân cư, chia sẻ những trải nghiệm thực tế của mình khi tương tác với bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương, đồng thời nêu ý kiến phản hồi về hiệu quả quản trị, điều hành, hành chính nhà nước và cung ứng dịch vụ công ở địa phương.

COVID-19 tác động mạnh đến hiệu quả hoạt động của chính quyền

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đánh giá trên 8 tiêu chí gồm tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.

Phát biểu tại Lễ công bố, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen cho biết mục tiêu chung của PAPI là nâng cao chất lượng các chức năng của chính phủ, khả năng đáp ứng, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức công cũng như giám sát tiến độ thực hiện các chương trình nghị sự quan trọng về quyền con người.

Những ưu tiên này đã được ghi nhận rõ ràng trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 của Việt Nam, là nền tảng cơ bản để đạt được 17 Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.

Theo bà Caitlin Wiesen, những phát hiện từ Báo cáo PAPI 2021 có ý nghĩa quan trọng, phản ánh tác động của đại dịch COVID-19 tới hiệu quả quản trị công, có sự tham gia của người dân.

Điều này giúp chính quyền các cấp chuẩn bị các kịch bản ứng phó với những khủng hoảng kinh tế và sức khỏe tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

“Chúng tôi hy vọng rằng số liệu công bố hôm nay sẽ giúp cung cấp những dẫn cứ hữu ích cho những thảo luận sắp tới trong chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2022, đặc biệt là dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và dự án Luật Đất đai sửa đổi, cũng chính là những vấn đề nghiên cứu PAPI đo lường qua nhiều năm,” bà Caitlin Wiesen phát biểu.

Theo Báo cáo PAPI 2021, đại dịch COVID-19 trong năm qua đã tác động đáng kể đến hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền ở nhiều lĩnh vực và ảnh hưởng tới điểm số ở nhiều chỉ tiêu trong PAPI.

Đơn cử, người dân ghi nhận sự cải thiện ở một số mặt về cơ sở hạ tầng cơ bản và an ninh, trật tự ở địa phương, thể hiện qua mức độ hài lòng cao hơn với chất lượng đường xá, tiếp cận nước sạch, thu gom rác thải, cũng như ít phải đối mặt với tội phạm hơn trước.

Lý giải cho những thay đổi này, theo Báo cáo PAPI 2021, đó là tác động của giãn cách xã hội, tăng đầu tư công cho nâng cấp cơ sở hạ tầng cơ bản.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực trên, Báo cáo PAPI 2021 cũng chỉ ra những “điểm trừ” trong quản trị và hành chính công các cấp ở Việt Nam. Theo đó, năm thứ hai của đại dịch COVID-19 với làn sóng biến chủng Delta vào Việt Nam đã khiến ngành y tế nhận được ít thiện cảm hơn, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở.

Ngoài ra, điểm chỉ số “Trách nhiệm giải trình với người dân” giảm mạnh so với hai năm 2019 và 2020. Sự sụt giảm này có thể do chính quyền địa phương không xử lý được số lượng lớn các đơn thư, yêu cầu của người dân đối với các chính sách hỗ trợ, ứng phó liên quan đến COVID-19 trong năm 2021.

Bình đẳng đối với dân di cư là một vấn đề đáng quan tâm do hậu quả của đại dịch COVID-19 năm 2021, do có sự chênh lệch rõ ràng giữa người tạm trú và thường trú ở từng địa phương.

Tuy nhiên, năm 2021, tỉ lệ người dân mong muốn di cư rất thấp, trong bối cảnh kinh tế suy giảm mạnh mẽ, dẫn đến thiệt hại lớn về việc làm và thu nhập trên quy mô toàn quốc.

Năm 2021, ba lý do chính khiến người dân chọn di cư là để đoàn tụ gia đình (chuyển đến Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh); để có công việc tốt hơn (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng); và để được sống trong môi trường tự nhiên tốt hơn (Đà Nẵng và Lâm Đồng).

Phát biểu tại Lễ công bố, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định: “Chỉ số PAPI đã hỗ trợ thúc đẩy trách nhiệm giải trình với người dân của các cấp chính quyền, đóng góp vào quá trình đổi mới và sáng tạo trong khu vực công vì mục tiêu ‘dân hưởng lợi’ ngoài những mục tiêu ‘dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra’ trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây cũng là tinh thần của dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ được thảo luận tại Quốc hội năm nay.”

Thành phố Hồ Chí Minh rơi vào nhóm điểm thấp nhất

Chỉ số tổng hợp PAPI 2021 cấp tỉnh cho thấy, so với kết quả của năm 2020, có 30 tỉnh, thành phố đã cải thiện hiệu quả hoạt động trong cung ứng dịch vụ công, quản trị môi trường, và quản trị điện tử.

PAPI 2021: COVID-19 tac dong lon den hieu qua quan tri cap tinh hinh anh 2
Lực lượng chức năng lập chốt kiểm soát lưu thông tại khu vực cầu Trường Đai giữa Phường Thới An, Quận 12 với Phường 13, quận Gò Vấp trong làn sóng dịch do biến chủng Delta tại Việt Nam. (Ảnh: Xuân Tình/TTXVN)

Tuy nhiên, 30 tỉnh, thành phố có sự sụt giảm về điểm ở các chỉ số nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở,” “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương,” “Trách nhiệm giải trình với người dân” và “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công.”

Nhiều tỉnh, thành phố trong nhóm dẫn đầu tập trung ở khu vực phía Bắc. Dẫn đầu bảng tổng hợp kết quả PAPI 2021 của các tỉnh, thành phố là Thừa Thiên-Huế với 48.095 điểm; tiếp theo là Bình Dương với 47.178 điểm; Thanh Hóa với 47.102 điểm.

Ngược lại, phần lớn các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long thuộc nhóm trung bình thấp hoặc thấp nhất. Trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh thuộc về nhóm đạt điểm thấp nhất.

Kết quả này phản ánh phần nào thực tế tác động nặng nề của giãn cách xã hội toàn phần kéo dài do làn sóng COVID-19 lần thứ tư ở Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hà Nội có sự thay đổi đột phá về vị trí so với năm 2020 (41.630 điểm) lên mức 44.447 điểm.

Theo Báo cáo PAPI 2021, có mức chênh lệch lớn giữa điểm cao nhất và điểm thấp nhất cấp tỉnh ở hai chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” và “Cung ứng dịch vụ công” trong năm 2021.

Đáng chú ý là điểm cao nhất và thấp nhất cấp tỉnh năm 2021 đều giảm so với kết quả năm 2020 ở các chỉ số nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở,” “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương” và “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công.”

Các tỉnh, thành phố hầu như không có tiến bộ nào ở chỉ số nội dung “Quản trị điện tử,” mặc dù trong thời gian qua, Chính phủ đã có những động thái đẩy mạnh Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đồng thời trong bối cảnh dịch COVID-19 có thể là “chất xúc tác” đẩy mạnh lĩnh vực này./.

 

Việt Đức (TTXVN/Vietnam+)

Nổi bật
PAPI 2021: COVID-19 tác động lớn đến hiệu quả quản trị cấp tỉnh - PAPI
Đăng ký Email

để tham dự lễ công bố báo cáo PAPI 2019