Bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), trao đổi với Pháp Luật TP.HCM cho hay: Trước đây TP.HCM không để tâm tới kết quả khảo sát PAPI nhưng từ năm 2016 đến nay, chính quyền đã quan tâm hơn.

 

Chỉ số về quản trị môi trường ở mức rất thấp

Phóng viên: Thưa bà, trong năm năm qua, các chsPAPI ca TP. HCM din biến, chuyn hóathế nào? Chsnào tt nht, chsnàotnht?

TP.HCM cần ưu tiên giải quyết thực chất các vấn đề người dân ít hài lòng nhất - ảnh 1
Bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP)

+ Bà Đỗ Thanh Huyền: Theo kết quả PAPI từ năm 2016 đến 2020, TP.HCM đã có những bước cải thiện qua từng năm ở một số lĩnh vực như “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”; “thủ tục hành chính công” và hiệu quả cung ứng dịch vụ công được người dân TP đánh giá ở mức khá, đưa TP vào nhóm 16 tỉnh có điểm cao nhất đến bốn trong năm năm

Mặc dù chưa đạt mức điểm khá, TP.HCM vẫn thuộc nhóm 16 địa phương tốp đầu về quản trị điện tử (điểm ở nội dung này của tất cả 63 tỉnh, thành chưa đạt trung bình). Bên cạnh đó, ba lĩnh vực gồm “tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương” và “trách nhiệm giải trình với người dân” luôn đạt mức trung bình trong suốt năm năm.

 

Trong tám trục nội dung của PAPI, theo bà, nội dung nào TP.HCM làm tốt nhất đến thời điểm này?

+ Theo hồ sơ PAPI của TP.HCM, năm 2020, trên thang điểm từ 1 đến 10, chính quyền TP được người dân đánh giá đạt mức khá ở lĩnh vực cung ứng dịch vụ hành chính công (đạt 7,34 điểm) và cung ứng dịch vụ công (đạt 7,37 điểm). Chỉ số lĩnh vực nội dung kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt mức trung bình khá (6,36 điểm), cao hơn khá đáng kể so với điểm của bốn TP trực thuộc trung ương còn lại (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ).

 

Tuy nhiên, TP đạt mức điểm trung bình ở hai chỉ số nội dung gồm “tham gia của người dân ở cấp cơ sở” (chỉ đạt 4,45 điểm) và “công khai, minh bạch trong việc ra quyết định của chính quyền địa phương” (chỉ đạt 5,38 điểm). Đặc biệt, chỉ số nội dung về “quản trị môi trường” ở mức rất thấp, chỉ đạt 2,82 điểm, thấp hơn so với bốn TP trực thuộc trung ương còn lại. Mặc dù là nơi tập trung nhiều nhà đầu tư công nghệ và phần mềm, TP chưa đạt được điểm trung bình ở chỉ số nội dung “quản trị điện tử” (chỉ đạt 3,46 điểm).

 

Những điều người dân phản ánh tiêu cực về hiệu quả quản trị và hành chính công của TP.HCM là gì? Câu chuyện nào minh chứng cho điều đó?

+ Tôi xin lấy ví dụ một số chỉ tiêu nổi cộm dẫn tới mức điểm chưa cao ở ba lĩnh vực nội dung đầu của PAPI. Ví dụ ở nội dung thứ nhất về “tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, dưới 50% số người được hỏi cho biết họ được mời tham gia đóng góp ý kiến khi địa phương chuẩn bị xây mới hoặc tu sửa công trình công cộng trong khi vẫn được yêu cầu đóng góp. Ở nội dung về “công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương” liên quan đến đất đai, chưa tới 19% số người được hỏi biết đến kế hoạch sử dụng đất ở các quận, huyện trong TP và cũng chỉ khoảng 5% cho biết họ có dịp đóng góp ý kiến vào những kế hoạch sử dụng đất đó. Tỉ lệ người dân bị thu hồi đất ở TP.HCM hài lòng với giá bồi thường thu hồi đất giảm mạnh khi so sánh kết quả khảo sát năm 2020 với năm 2014 (sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực). Đánh giá của người dân về hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân không cao, chỉ đạt 0,78 điểm.

 

TP.HCM vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu trong cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân ở hai nhóm dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp phép xây dựng. Vẫn còn nhiều người cho biết phải chung chi hoặc nhờ “cò” khi làm thủ tục cấp sổ hồng (năm 2020, qua khảo sát có gần 64% trong số những người đã làm thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất đã phải chung chi để xong việc). Mối quan hệ cá nhân trong tuyển dụng nhân sự vào bộ máy chính quyền vẫn tồn tại và đây là điểm quan trọng nhưng yếu nhất của TP trong bốn khía cạnh PAPI đo lường ở chỉ số nội dung này.

TP.HCM cần ưu tiên giải quyết thực chất các vấn đề người dân ít hài lòng nhất - ảnh 2
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Sở Tư pháp TP.HCM.
Ảnh: HOÀNG GIANG

 

“Người dân rất công tâm khi đánh giá chính quyền”

Việt Nam nói chung và TP.HCM xác định ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số, chính quyền điện tử… qua khảo sát, bà thấy mức độ ứng dụng của TP.HCM như thế nào, có tác dụng ra sao đối với cải cách thủ tục hành chính công, cung cấp dịch vụ công để thúc đẩy công khai, minh bạch?

+ Câu chuyện người bạn của tôi ở TP.HCM khi đi làm giấy khai sinh cho con làm tôi rất ngạc nhiên. Ở một số địa phương, dịch vụ thực hiện cấp đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới sáu tuổi (thủ tục “ba trong một”) đang được làm đến cấp độ 3 và 4, cha hoặc mẹ của trẻ chỉ cần đi một lần nếu được yêu cầu tới bộ phận tiếp nhận, trả kết quả của phường và làm xong trong ngày.

Tuy nhiên, bạn tôi ở TP đã phải cất công đi lại nhiều lần trong hai tháng mới làm giấy khai sinh cho con.

Nhìn vào kết quả khảo sát PAPI năm 2020, có thể thấy rằng khoảng cách giữa điều kiện tiếp cận Internet của người dân và khả năng đáp ứng dịch vụ công trực tuyến của TP còn rất xa. Nếu như tỉ lệ sử dụng Internet tại nhà ở TP đạt 89% và tỉ lệ đọc tin tức, thông tin qua Internet là gần 68% thì tỉ lệ người cho biết họ lấy được đầy đủ thông tin chỉ dẫn và biểu mẫu cần thực hiện từ cổng thông tin điện tử của địa phương khi cần làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, làm thủ tục xin cấp phép xây dựng và làm chứng thực xác nhận của chính quyền địa phương lần lượt chỉ là 0,6%, 1% và 6,6%.

Có lẽ đây là sự ngạc nhiên lớn nhất của tôi, bởi tôi biết chính quyền TP trong những năm 2000 đã từng là điểm đến học tập kinh nghiệm của nhiều địa phương trên cả nước về đổi mới khu vực hành chính công, là nơi của công viên phần mềm và là cái nôi của nhiều đổi mới sáng tạo trong khu vực tư…

 

Có ý kiến cho rằng TP.HCM là đô thị lớn, đông dân, doanh nghiệp nhiều… nên các chỉ số PAPI, PAR Index hay PCI không cao cũng là điều dễ hiểu…?

+ Tôi cho rằng người dân rất công tâm khi đánh giá chính quyền. Có những việc TP đã từng đi tiên phong như hệ thống “một cửa”, “một cửa liên thông”, đối thoại trong giai đoạn giãn cách xã hội… được người dân, doanh nghiệp nhìn nhận và đánh giá tốt. Tuy nhiên, một số vụ án tham nhũng làm sai của một số cán bộ, người dân nghe và nhìn thấy cả.

Đông dân tạo sức ép rất lớn lên đội ngũ cán bộ, công chức của TP nhưng tôi cho rằng chất lượng nhân sự đầu vào hệ thống chính quyền mới là then chốt. Làm thế nào để tuyển chọn và giữ được công chức làm tốt công vụ trong bối cảnh sức hút nhân lực chất lượng cao từ khu vực tư là một bài toán hóc búa.

 

Điểm chỉ số tám lĩnh vực nội dung PAPI của TP.HCM, 2016-2020TP.HCM cần ưu tiên giải quyết thực chất các vấn đề người dân ít hài lòng nhất - ảnh 3(Thang điểm từ 1 đến 10, trong đó 1 là thấp nhất và 10 là cao nhất)

 

Cần cơ chế riêng để cải thiện các chỉ số

Bà khuyến nghị gì để TP.HCM có thể vươn lên nhóm đầu trong các chỉ số?

+ Như tôi đã nhiều lần có dịp được chia sẻ kết quả PAPI với lãnh đạo TP, để đáp ứng được kỳ vọng ngày càng cao của người dân, cán bộ, công chức TP dành toàn bộ 8 giờ làm việc toàn tâm cho công vụ. Và để làm được việc đó, TP với lượng người dân định cư và nhập cư lớn nhất cả nước cần có cơ chế riêng về biên chế ở cấp quận, huyện và xã, phường. Những đơn vị hành chính đông dân cư hơn cần có thêm biên chế, thay vì dàn đều như hiện nay.