Góc nhìn hôm nay: PAPI 2021- Trách nhiệm giải trình giảm mạnh - PAPI

Góc nhìn hôm nay: PAPI 2021- Trách nhiệm giải trình giảm mạnh

11/05/2022

Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 vừa được công bố sáng 10/5 cho thấy, người dân đánh giá cơ sở hạ tầng cơ bản được cải thiện với chất lượng đường xá, nước sạch và vệ sinh môi trường tốt hơn. Số tội phạm giảm do giãn cách xã hội và hạn chế đi lại do bùng phát Covid-19 có thể đã giúp cải thiện việc tuân thủ pháp luật và đảm bảo trật tự an toan xã hội.

Tuy nhiên, công tác ứng phó với đại dịch quốc gia vẫn còn những thiếu sót với những thách thức về quản trị ngày càng tăng, sự thay đổi của các chỉ số gắn với Covid-19 và sự suy giảm niềm tin vào kinh tế hộ gia đình đều thể hiện rõ.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, điểm thấp nhất và điểm cao nhất cấp tỉnh từ 5,42 đến 8,15 điểm trên thang điểm từ 1-10, là khoảng cách tương đối xa. Nếu như năm 2020, Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng PAPI, thì năm 2021 là tỉnh Thừa Thiên-Huế, còn Điện Biên xếp cuối bảng.

THỪA THIÊN-HUẾ DẪN ĐẦU BẢNG XẾP HẠNG PAPI

Nhiều tỉnh, thành phố trong nhóm dẫn đầu tập trung ở khu vực phía Bắc. Dẫn đầu bảng là Thừa Thiên-Huế, Bình Dương; Thanh Hóa. Ngược lại, phần lớn các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long thuộc nhóm trung bình thấp hoặc thấp nhất. Trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh thuộc về nhóm đạt điểm thấp nhất. Kết quả này phản ánh phần nào thực tế tác động nặng nề của giãn cách xã hội toàn phần kéo dài do làn sóng Covid -19 lần thứ tư ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Bà CAITLIN  WIESEN, Đại diện UNDP thường trú ở Việt Nam: “PAPI 2021 phản ánh tác động của đại dịch Covid-19 tới hiệu quả quản trị công. Điều này giúp chính quyền các cấp chuẩn bị các kịch bản ứng phó với những khủng hoảng kinh tế và sức khỏe tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Chúng tôi hy vọng rằng, số liệu công bố hôm nay sẽ giúp cung cấp những dẫn cứ hữu ích cho thảo luận sắp tới trong chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2022 của Quốc hội. Đặc biệt là dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và dự án Luật Đất đai sửa đổi, cũng chính là những vấn đề nghiên cứu PAPI đo lường qua nhiều năm.”

Báo cáo PAPI 2021 cũng chỉ ra điểm chỉ số “Trách nhiệm giải trình với người dân” giảm mạnh so với hai năm 2019 và 2020. Sự sụt giảm này có thể do chính quyền địa phương không xử lý được số lượng lớn các đơn thư, yêu cầu của người dân đối với các chính sách hỗ trợ, ứng phó liên quan đến Covid -19 trong năm 2021. Các phân tích của chuyên gia thông qua chỉ số PAPI hỗ trợ thúc đẩy trách nhiệm giải trình với người dân của các cấp chính quyền, đóng góp vào quá trình đổi mới và sáng tạo trong khu vực công.

Ông LÊ HỮU HOÀNG, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hoà: “Chúng tôi đã tiếp thu các ý kiến chuyên gia, ý kiến các đơn vị tư vấn đề tiếp tục hoàn thiện hơn nữa hệ thống quản trị hành chính công cấp tỉnh, tạo hệ thống quản trị hành chính công ưu việt, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.”

Về điểm sáng, báo cáo PAPI cho thấy sự cải thiện cơ bản về một số mặt ở cơ sở hạ tầng cơ bản, an ninh trật tự ở địa phương, thể hiện qua mức độ hài lòng của người dân cao hơn với chất lượng đường sá, tiếp cận nước sạch, thu gom rác cũng như ít phải đối mặt với tội phạm hơn trước. Lý giải về vấn đề này, báo cáo PAPI cho rằng đó là tác động của giãn cách xã hội, tăng đầu tư công cho nâng cấp cơ sở hạ tầng cơ bản.

Chỉ số thành phần Trách nhiệm giải trình với người dân, giảm mạnh so với năm 2019 và 2020. Không có tỉnh-thành phố nào đạt mức cải thiện đáng kể so với 2020.  Điểm số của các tỉnh Bến Tre, Cao Bằng, Quảng Bình và Quảng Trị thậm chí còn giảm hơn 20% qua hai năm. Đây có thể là do chính quyền địa phương bị quá tải, bởi yêu cầu của người dân liên quan đến chính sách hỗ trợ và ứng phó với đại dịch Covid trong năm 2021. Tuy thực hiện giãn cách xã hội đòi hỏi người dân phải chuyển sang các dịch vụ chính quyền điện tử, nhưng thực tế sử dụng đã bị phản ánh là hiệu quả thấp ở năm 2021.

Thế nhưng, việc chính quyền cơ sở chậm hồi âm và giải quyết kiến nghị kéo dài của người dân, không thể đổ hết lỗi cho khách quan dịch bệnh được. Do vậy, Chỉ số Công khai minh bạch và Trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, được đánh giá chưa cao ở PAPI 2021. Ví dụ cụ thể sau ở phường Phúc Thắng, TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, cho thấy phần nào nguyên nhân khiến địa phương này chỉ đạt 4,42 điểm cho chỉ số thành phần Trách nhiệm giải trình với người dân và 5,19 điểm cho chỉ số thành phần Công khai minh bạch. Và Vĩnh Phúc được xếp vào nhóm Trung bình cao, bằng với xếp hạng PAPI 2020.

THƯỚC ĐO PAPI CHẬM GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ CỦA DÂN     

5 gia đình gồm các ông, bà: Hoàng Quang Hào, Nguyễn Văn Hải, Hoàng Xuân Hiến, Hoàng Văn Hanh và Nguyễn Thị Thư, được Ủy ban xã Phúc Thắng (lúc đó) xác nhận thu mua gom 8.218 m2 đất nông nghiệp của 101 hộ khác. Tháng 7/2008 UBND tỉnh Vĩnh Phúc có quyết định thu hồi diện tích đất của 5 hộ để giao cho HTX Dịch vụ tổng hợp Xuân Mai. 5 gia đình đã bàn giao toàn bộ số diện tích 8.218m2.

Theo chủ trương của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, các hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi giao cho các tổ chức, doanh nghiệp, sẽ được hỗ trợ 10m2 với 1 sào Bắc Bộ. Sau khi đã bàn giao đất và làm đơn rất nhiều lần, 5 gia đình trên được Tổ dân phố và UBND phường trả lời miệng là đang xem xét. Nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Ông HOÀNG QUANG HÀO – Phường Phúc Thắng, TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc: “Chúng tôi đã chấp hành chính sách của tỉnh là giao đất cho doanh nghiệp để phát triển kinh tế địa phương nói riêng và tỉnh nói chung, gia đình chúng tôi sẽ được nhận lại các tiêu chuẩn của tỉnh. Thế nhưng đến năm nay là 2022, gia đình chúng tôi có đơn đề nghị rất nhiều lần nhưng chưa được giải quyết về vấn đề đất dịch vụ. Sau khi chúng tôi đồng ý bàn giao thì từ tổ dân phố cho đến các cấp lãnh đạo là cũng đến động viên gia đình để chúng tôi đồng ý bàn giao để cho Nhà nước thu hồi, thế nhưng đến nay là chưa nhận được thông tin gì.”

Hơn 4 ha để cấp đất dịch vụ cho người dân bị thu hồi đất 14 năm trước, nay chỉ có một số đường cống thoát nước và cột điện đấu dây, còn lại mặt bằng vẫn có những hố sâu chưa được san ủi. Hạ tầng cơ sở hầu như chưa có gì.

Bà NGUYỄN THỊ XUÂN – Phường Phúc Thắng, TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc: “Phải đến hơn hai chục năm chứ lại, đại thể là mua đất giá rẻ, mãi sau này mới trả đất dịch vụ nhưng mà bảo sản bằng thì chả được bằng, vẫn đầy thùng hố.”

Ông NGÔ VĂN HUYÊN, Phường Phúc Thắng, TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc: “Bà con kiến nghị nhiều lần lên phường, họp tổ dân phố và kiến nghị với cử tri, tất cả khi tiếp xúc cử tri chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần rồi nhưng không được giải quyết cái gì cả. Cơ sở hạ tầng vẫn cứ be bét như thế này thôi.”

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ đó yêu cầu phải họp với dân để giao đất dịch vụ cho dân chỗ thuận tiện nhất, đẹp nhất để người dân kinh doanh được, sau khi đã bị thu hồi đất nông nghiệp. Nhưng diện tích đất dịch vụ hơn 4 ha để giao cho người dân hầu như đem đấu thầu ra bên ngoài và hầu như không kinh doanh được, lại giáp với khu nghĩa trang.

Ông HOÀNG VĂN DUYÊN – Nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Thắng, TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc: “Nguyên nhân chậm là do thể chế. Thể chế về phương pháp giải quyết. Tại sao ở những nơi khác người ta xét đất dịch vụ sau mà người ta lại làm được hạ tầng và giao đất dịch vụ cho dân trước. Nhưng đến bây giờ ở khu vực Phúc Thắng này là nơi đi đầu cũng là nơi giao cuối cùng, thì cái này phải nói là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo là thiếu cương quyết và cũng thiếu thông suốt từ tỉnh xuống tới cơ sở để cho nhân dân người ta bức xúc.”

Tại các cuộc họp và tiếp dân, báo cáo cho biết: Hết năm 2021, 5 địa phương được giao chỉ tiêu giải quyết đất dịch vụ là thành phố Phúc Yên, thành phố Vĩnh Yên và các huyện Bình Xuyên, Vĩnh Tường và Yên Lạc đều phải hoàn thành. Tuy nhiên, đã phát sinh 5 hộ dân này chưa được giải quyết đất dịch vụ, do Ủy ban phường chưa báo cáo lên Thành phố.

Ông PHAN TIẾN DŨNG – Chủ tịch UBND TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc: “Phúc Yên đã giải quyết 100% đất dịch vụ cho người dân. Tuy nhiên đến thời điểm tiếp dân ngày hôm nay vẫn còn một trường hợp. Đây là trường hợp lần đầu tiên lên để đề nghị giải quyết về đất dịch vụ khi Nhà nước thu hồi đất cho các dự án. Vấn đề này thì chúng tôi cũng sẽ yêu cầu phường Phúc Thắng cùng các Phòng ban rà soát cụ thể xem nguồn gốc đất của các hộ gia đình bị thu hồi ở các dự án là loại gì, để sau đó có hướng giải quyết cụ thể.”

Phường Phúc Thắng là nơi đi đầu thực hiện việc đất dịch vụ của Vĩnh Phúc, nhưng để lọt vụ việc, đã trở thành nơi cuối cùng chưa giải quyết xong, mặc dù đã gần 20 năm trôi qua, đã vậy, lại không báo cáo lên cấp trên để tìm hướng giải quyết. Hy vọng, với sự nhìn nhận đây là cách làm chưa chuẩn của Ủy ban phường Phúc Thắng, Thành phố Phúc Yên sẽ kịp thời sửa sai cho cấp dưới, trả lại quyền lợi chính đáng cho người dân, qua đó giải quyết khiến tại của công dân bằng các biện pháp phù hợp.

Chỉ số PAPI 2021 đã công bố sáng 10/5. Vĩnh Phúc vẫn thuộc nhóm trung bình khá, tương đương năm 2020. Tuy có cố gắng, nhưng việc Công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình của chính quyền với người dân, cần đi vào thực chất hơn.

Các số liệu công bố hôm nay sẽ giúp cung cấp những dẫn cứ hữu ích cho những thảo luận sắp tới theo chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2022, đặc biệt là dự án Luật Thực hiện dân chủ cơ sở và dự án Luật Đất đai sửa đổi. Khảo sát PAPI đóng vai trò quan trọng, giúp chính quyền các cấp cải thiện việc ra quyết định, hoạch định chính sách và cung cấp dịch vụ công cho người dân, dựa trên cơ sở dữ liệu tin cậy về trải nghiệm của chính người dân. Trong bối cảnh mong muốn trở thành nước có thu nhập trung bình cao và hướng tới mục tiêu nền kinh tế thu nhập cao, thì việc chính quyền các cấp hiểu được mong muốn của người dân, kịp thời chuyển đổi và cải thiện đường lối chính sách dựa trên các phản hồi của người dân, là vô cùng quan trọng…

GAM MÀU SÁNG TỐI CỦA PAPI 2021

Ông ĐẶNG HOÀNG GIANG, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu hỗ trợ phát triển cộng đồng: “Mỗi một tỉnh đều cần phải nhìn sâu vào cái đánh giá của người dân để xem ví dụ như là trong lĩnh vực giáo dục thì người dân phàn nàn về gì, trong lĩnh vực y tế  người dân đang phàn nàn về điều gì. Và không phải chỉ đưa ra các lời hô hào, hoặc kế hoạch chung chung, các nghị quyết chung chung mà phải cụ thể ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm cho giáo dục, ai đứng ra chịu trách nhiệm cho y tế, ai đứng ra chịu trách nhiệm cho việc nếu chúng ta muốn xin việc ở khu vực công thì phải cần quan hệ thân quen và người này trong vài năm tới phải ra được kết quả. Khi có sự phân công nhất định, rõ ràng thì nó sẽ hiệu quả hơn là những nghị quyết chung chung.”

Chỉ số PAPI 2021 so với năm 2020 cho thấy, 30 tỉnh-thành phố đã cải thiện hiệu quả hoạt động của mình trong Cung cấp Dịch vụ Công, Quản trị Môi trường và Quản trị Điện tử. Nhiều tỉnh-thành phố ở khu vực phía Bắc có hiệu quả hoạt động tốt hơn, trong khi hầu hết các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, đều có sự sụt giảm về hiệu quả hoạt động.

Tuy nhiên, 30 tỉnh cũng có sự sụt giảm về điểm số đối với các chỉ số thành phần: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở, Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương, Trách nhiệm giải trình với người dân và Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Chỉ số thành phần “Trách nhiệm giải trình với người dân” giảm mạnh so với hai năm 2019 và 2020. Có thể do chính quyền địa phương không xử lý được số lượng lớn các đơn thư và yêu cầu của người dân đối với các chính sách hỗ trợ, ứng phó liên quan đến Covid-19 trong năm 2021.

Nhìn tổng thể, Chỉ số PAPI đã thúc đẩy trách nhiệm giải trình với người dân của các cấp chính quyền, đóng góp vào quá trình đổi mới và sáng tạo trong khu vực công vì mục tiêu “dân hưởng lợi”, ngoài những mục tiêu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây cũng là tinh thần của dự án Luật thực hiện dân chủ cơ sở, sẽ được thảo luận tại kỳ họp Quốc hội năm nay.

 

Thực hiện : Ngọc Dũng – Thanh Nga – Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nổi bật
Góc nhìn hôm nay: PAPI 2021- Trách nhiệm giải trình giảm mạnh - PAPI
Đăng ký Email

để tham dự lễ công bố báo cáo PAPI 2019