Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) cấp tỉnh năm 2018 của tỉnh Kiên Giang - PAPI

Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) cấp tỉnh năm 2018 của tỉnh Kiên Giang

04/06/2019

Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (gọi tắt là Chỉ số PAPI) là bộ chỉ số đo lường và đánh giá tính hiệu quả về công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công trên địa bàn tỉnh, dựa trên kết quả khảo sát lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công của các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh. Năm 2018, có 08 chỉ số nội dung với 28 chỉ số nội dung thành phần và 113 chỉ tiêu (tăng 02 chỉ số nội dung và 06 chỉ số nội dung thành phần), gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử.

Ông Phạm Vũ Hồng (thứ 2, từ trái sang), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, chủ trì Hội nghị.

Theo đó, Chỉ số PAPI năm 2018 tỉnh Kiên Giang đạt 42,77/80, xếp thứ 49/63 tỉnh, thành trong cả nước, giảm 04 hạng so năm 2017 và thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất, nhóm 4 (nhóm 1 đạt điểm cao nhất có 16 tỉnh, thành; nhóm 2 đạt điểm trung bình cao có 16 tỉnh, thành; nhóm 3 đạt điểm trung bình thấp có 15 tỉnh, thành và nhóm 4 đạt điểm thấp nhất có 16 tỉnh, thành). Chỉ số trung vị của cả nước là 42,95 và cao nhất là 47,05 điểm, thấp nhất là 41,04 điểm, cụ thể điểm và xếp thứ hạng của từng chỉ số nội dung, nội dung thành phần như sau:

– Tham gia của người dân ở cấp cơ sở, gồm: Tri thức công dân về tham gia bầu cử; cơ hội tham gia bầu cử; chất lượng bầu cử và tham gia bầu cử; tham gia quyết định về công trình công cộng. Các chỉ số này đo lường tri thức công dân về quyền tham gia và mức độ hiệu quả của các cấp chính quyền trong việc tạo điều kiện để người dân thực hành tốt nhất quyền tham gia về Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; sự hiểu biết của người dân về các quy định của pháp luật liên quan đến công tác bầu cử các chức danh của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, nhất là chức danh Trưởng, Phó Trưởng ấp, khu phố; về sự tham gia đóng góp và sự giám sát của người dân đối với việc đầu tư, xây dựng các công trình công cộng ở địa phương nơi cư trú. Năm 2018 đạt 4,67/10 điểm, giảm 0,53 điểm so năm 2017 (5,20 điểm) và xếp ở thứ hạng 58/63 tỉnh, thành trong cả nước, giảm 13 hạng so năm 2017.

– Công khai minh bạch, gồm: Tiếp cận thông tin (Chỉ số mới); công khai minh bạch danh sách hộ nghèo; công khai minh bạch ngân sách cấp xã; công khai minh bạch quy hoạch sử dụng đất, giá đất. Các chỉ số này cần được công khai, minh bạch theo quy định của Pháp lệnh thực hiện dân chủ cơ sở và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nhằm đảm bảo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Năm 2018 đạt 4,87/10 điểm, giảm 0,39 điểm so năm 2017 (5,26 điểm) và xếp ở thứ hạng 56/63 tỉnh, thành trong cả nước, giảm 02 hạng so năm 2017.

– Trách nhiệm giải trình với người dân, gồm: Tương tác với các cấp chính quyền; giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân; hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân là các chỉ số đo lường mức độ tương tác giữa chính quyền với người dân và hiệu quả hoạt động trên thực tế của các thiết chế thực hiện dân chủ cơ sở như hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Những cơ chế đối thoại giữa chính quyền và người dân, những thiết chế để người dân thực hiện vai trò giám sát hiệu quả thực thi chức năng quản lý nhà nước của chính quyền cấp cơ sở đóng vai trò thúc đẩy thực hiện “dân bàn” và “dân kiểm tra”. Năm 2018 đạt 4,65/10 điểm, tăng 0,19 điểm so năm 2017 (4,46 điểm) và xếp ở thứ hạng 57/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 01 hạng so năm 2017.

– Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, gồm: Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền; kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công; công bằng trong tuyển dụng vào khu vực công và quyết tâm chống tham nhũng. Những chỉ số này cho thấy mức độ chịu đựng tham nhũng của chính quyền và người dân, đồng thời gợi mở những giải pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa những hành vi tham nhũng đang ngày càng phát triển. Năm 2018 đạt 6,35/10 điểm, tăng 0,09 điểm so năm 2017 (6,26 điểm) và xếp ở thứ hạng 57/63 tỉnh, thành trong cả nước, giảm 25 hạng so năm 2017.

– Thủ tục hành chính công, gồm: Dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền; cấp giấy phép xây dựng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và dịch vụ hành chính công của chính quyền cấp xã. Các chỉ số này đánh giá sự tập trung vào các yếu tố tạo nên một nền hành chính chuyên nghiệp và phục vụ như thông tin rõ ràng về quy trình, thủ tục; phí và lệ phí được niêm yết công khai; mức độ thạo việc của công chức; thái độ phục vụ của công chức; thủ tục đơn giản; hẹn ngày nhận kết quả; nhận kết quả đúng lịch hẹn và sự hài lòng của người sử dụng dịch vụ. Năm 2018 đạt 7,60/10 điểm, tăng 0,54 điểm so năm 2017 (7,06 điểm) và xếp ở thứ hạng 10/63.

– Cung ứng dịch vụ công, gồm: Dịch vụ y tế công lập; dịch vụ giáo dục tiểu học công lập; cơ sở hạ tầng căn bản và an ninh trật tự tại địa bàn dân cư. Các chỉ số này người dân chia sẽ trải nghiệm của mình về mức độ thuận tiện khi sử dụng dịch vụ công, chất lượng và mức độ sẵn có của các dịch vụ công căn bản ở cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh. Năm 2018 đạt 6,88/10 điểm, giảm 0,59 điểm so năm 2017 (7,47 điểm) và xếp ở thứ hạng 49/63 tỉnh, thành trong cả nước, giảm 40 hạng so năm 2017.

– Quản trị môi trường (chỉ số nội dung mới đưa vào năm 2018), gồm: Nghiêm túc trong bảo vệ môi trường; chất lượng không khí; chất lượng nước nhằm đo lường mức độ tác động trực tiếp của môi trường đến sức khỏe con người, chất lượng không khí và chất lượng nguồn nước sinh hoạt. Các chỉ số này người dân sẽ cho biết chất lượng không khí, chất lượng nguồn nước sinh hoạt nơi cư trú, đồng thời phản ánh những phát hiện của người dân về hiện tượng hoặc dự án doanh nghiệp đầu tư vào địa phương của họ có trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ môi trường bằng cách “chung chi” với chính quyền địa phương hay không. Năm 2018 đạt 4,99/10 điểm và xếp ở thứ hạng 11/63 tỉnh, thành trong cả nước.

– Quản trị điện tử (chỉ số nội dung mới đưa vào năm 2018), gồm: Sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương; tiếp cận và sử dụng Internet tại địa phương nhằm đo lường mức độ đánh giá của người dân về hai khía cạnh mang tính tương tác của chính phủ điện tử như mức độ sẵn có và sử dụng dịch vụ công trực tuyến do chính quyền cung cấp; thông tin về Cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương; tiếp cận thông tin về quy trình, thủ tục, chính sách người dân cần tuân thủ và điều kiện sử dụng Internet của người dân – môi trường thiết yếu để người dân tham gia quản trị điện tử. Năm 2018 đạt 2,77/10 điểm và xếp ở thứ hạng 47/63 tỉnh, thành trong cả nước, đứng ở nhóm 3, nhóm đạt điểm trung bình thấp trong cả nước.

Thanh Bình
Theo https://www.kiengiang.gov.vn/

Highlights
Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) cấp tỉnh năm 2018 của tỉnh Kiên Giang - PAPI
Đăng ký Email

để tham dự lễ công bố báo cáo PAPI 2019