Ai dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch? - PAPI

Ai dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch?

07/12/2021

 

Covid-19 tác động tiêu cực lên sức khỏe, việc làm và thu nhập của người dân rõ rệt hơn trong năm nay. Người nghèo, dân tộc thiểu số, lao động tự do… dễ bị tổn thương nhất.

 

“Năm 2020, Việt Nam thành công trong việc kiểm soát dịch, có dưới 100 ca tử vong vì Covid-19. Năm nay, con số này lên tới 26.000 với 1 triệu ca nhiễm. Ảnh hưởng của Covid-19 lên sức khỏe được thể hiện rất rõ. Cụ thể, người dân lo lắng về tình hình sức khỏe cá nhân (68% số người được hỏi) và việc học tập của con cháu (76%)”.

“Tác động tiêu cực lên việc làm và thu nhập của Covid-19 cũng trở nên rõ rệt hơn trong năm nay, với 77% người được hỏi cho biết thu nhập bị giảm, đặc biệt là đối với những người thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, lao động tự do phi nông nghiệp, lao động không có tay nghề, lao động làm việc trong các ngành dịch vụ và những người sống sinh sống tại các khu vực có thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài”.

Đây là những thông tin được TS Nguyễn Việt Cường, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRI), chia sẻ từ cuộc điều tra xã hội học “Cảm nhận và trải nghiệm của người dân về một số biện pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 của các cấp chính quyền: Kết quả khảo sát qua điện thoại vòng 2, năm 2021”.

 

Nhung nguoi bi ton thuong nhieu nhat trong dai dich anh 1
Kết quả khảo sát chỉ ra các nhóm lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất về việc làm và thu nhập trong đại dịch. Ảnh: BTC.

 

Khảo sát được thực hiện bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Viện MDRI với sự hỗ trợ và đồng hành của Bộ Ngoại giao và Thương mại, Chính phủ Australia (DFAT).

Sử dụng phương pháp phỏng vấn qua điện thoại, cuộc điều tra được thực hiện từ ngày 17/9 đến ngày 15/10/2021 với sự tham gia của 1.501 người dân được chọn ngẫu nhiên từ mẫu dân số năm 2019 của Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI).

Mục đích của khảo sát là so sánh cảm nhận và trải nghiệm của người thường trú ở 63 tỉnh, thành vào năm 2021 với của cảm nhận và trải nghiệm của người dân ở năm 2020 để hiểu những thay đổi trước và trong đại dịch Covid-19.

Lòng tin là chìa khóa

Theo TS Nguyễn Việt Cường, đánh giá về những biện pháp ứng phó của các cấp chính quyền trong đợt dịch lần thứ 4, đa số đối tượng trả lời khảo sát vẫn đề cao mức độ hiệu quả, cho dù tỷ lệ này thấp hơn năm 2020.

Cụ thể, 84% đánh giá công tác ứng phó của Chính phủ là tốt hoặc rất tốt (so với 97% vào năm 2020), 89% đánh giá công tác ứng phó của chính quyền cấp tỉnh là tốt hoặc rất tốt (94% vào năm 2020).

Người dân thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với hầu hết biện pháp phòng, chống dịch.

Về khả năng tiếp cận và hiệu quả của gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ, cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ người trả lời nhận tiền hỗ trợ còn thấp. Thông tin về gói hỗ trợ chưa được phổ biến, tuyên truyền một cách hiệu quả và đầy đủ tới các nhóm yếu thế. Người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại nông thôn, người nghèo ít nghe đến gói hỗ trợ hơn những nhóm còn lại.

Những người đã nhận được tiền hỗ trợ đánh giá cao tính kịp thời và đúng như quy định. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng thủ tục tiếp nhận là chưa đơn giản.

Tỷ lệ người dân ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch của chính quyền
Tỷ lệ người dân ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch của chính quyền. Ảnh: BTC.

Trong khi đó, các dịch vụ hành chính công trực tuyến chưa được vận dụng trong đợt dịch thứ 4. Nhiều người phải nộp kết quả xét nghiệm Covid-19 mới được nhập viện khám, chữa bệnh.

Khảo sát cũng phản ánh lựa chọn và kỳ vọng của người dân trong ứng phó với Covid-19. Mặc dù phải chịu những tác động kinh tế tiêu cực, hầu hết người được hỏi đều ưu tiên sức khỏe hơn kinh tế. Có tới 83% số người được hỏi đồng ý rằng “Ưu tiên cao nhất của Nhà nước hiện nay là cứu người khỏi Covid-19 cho dù phải hy sinh phát triển kinh tế”.

“Kinh nghiệm của Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy rằng lòng tin và sự tín nhiệm của người dân là chìa khóa thành công trong công tác ứng phó với đại dịch của Chính phủ”, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, nhận định.

TS Phùng Đức Tùng, Chủ tịch Viện MDRI, cho biết: “Cuộc khảo sát cung cấp bức tranh rõ ràng về trải nghiệm, mối quan tâm chính của các hộ gia đình trong thời gian giãn cách xã hội; hiệu quả của các can thiệp và chính sách của chính phủ. Kết quả khảo sát là hướng dẫn cho việc thiết kế những can thiệp và chính sách tốt hơn cho các đại dịch trong tương lai”.

 

Cần thay đổi

Cuộc khảo sát của UNDP và Viện MDRI đưa ra một số gợi ý cho thời gian tới:

Cảm nhận và sự ủng hộ của người dân cần được các cấp chính quyền xem xét kỹ lưỡng khi thiết kế các chính sách, biện pháp ứng phó trong thời gian tới. Sự tin tưởng của người dân là động lực quan trọng quyết định mức độ hiệu quả trong việc ứng phó với đại dịch của các cấp chính quyền.

Cần tập trung triển khai gói hỗ trợ cho nhóm người nghèo, lao động không có tay nghề, lao động thời vụ, và người làm việc trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ.

Hỗ trợ của cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội và các nhóm/cá nhân từ thiện trong thời gian dịch bệnh hoặc các khủng hoảng tương tự cần được coi trọng và chính thức ghi nhận. Việc đơn giản hóa thủ tục tiếp nhận gói hỗ trợ sẽ giúp người dân nhận hỗ trợ kịp thời hơn.

Các dịch vụ công trực tuyến cần được đánh giá lại và cải thiện nhằm đảm bảo tính thân thiện với người dùng, qua đó, khuyến khích người dân sử dụng các biện pháp không tiếp xúc trong quá trình làm việc với chính quyền.

UNDP và Viện MDRI đề xuất các cấp chính quyền tập trung triển khai gói hỗ trợ cho nhóm người nghèo, lao động không có tay nghề, lao động thời vụ, và người làm việc trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ
UNDP và Viện MDRI đề xuất các cấp chính quyền tập trung triển khai gói hỗ trợ cho nhóm người nghèo, lao động không có tay nghề, lao động thời vụ, và người làm việc trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ. Ảnh: Phạm Ngôn.

 

Bên cạnh góp ý về chính sách trong tương lai, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, nêu thêm vấn đề về nỗi khổ của lực lượng đi chống dịch.

“Nhân viên y tế đi chống dịch vất vả nhưng thù lao không mấy. Công việc của họ rất áp lực, ngột ngạt, không phải 8 hay 12 tiếng, mà có người làm 24/24, về nhà vẫn nhận điện thoại liên tục để tư vấn cho mọi người. Học trò của tôi đi chống dịch, vừa khóc vừa kể rằng trong ca làm việc được phân công chăm sóc phòng 3 người. Hôm trước vừa gặp, chào hỏi để về, ngày mai đến nhận ca thì cả 3 đã ra đi”, ông nói.

GS.TS Nguyễn Anh Trí chia sẻ thêm: “Thực tế, nhiều bác sĩ, cán bộ y tế bị trầm cảm. Không chỉ phải chịu đựng sự ngột ngạt, họ còn phải xa gia đình, con cái, thậm chí những người có thai, sắp cưới cũng xin đi chống dịch với tinh thần rất cao. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ dành cho họ còn ít ỏi, chậm. Đến giờ, nhiều người đã quay trở lại công việc bình thường mà vẫn chưa nhận được”.

Theo ông, Quốc hội rất quyết liệt trong vấn đề này. Ông hy vọng sự quyết liệt đó sẽ giúp công tác chống dịch tốt hơn trong tình hình đại dịch Covid-19 còn nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp, khó lường.

 

Theo  Zingnews.vn

Highlights
Ai dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch? - PAPI
Đăng ký Email

để tham dự lễ công bố báo cáo PAPI 2019