GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC, CẢI THIỆN VÀ NÂNG CAO CHỈ SỐ PAPI CỦA TỈNH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ PHAN THIẾT - PAPI

GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC, CẢI THIỆN VÀ NÂNG CAO CHỈ SỐ PAPI CỦA TỈNH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ PHAN THIẾT

20/09/2019

PAPI là Chỉ số hiệu quản Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam; là hoạt động khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam, tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân, với dữ liệu được thu thập thường niên. Cho đến nay, Chỉ số PAPI đã thu thập và phản ánh trải nghiệm của 117.363 người dân của 63 tỉnh/thành phố thuộc Trung ương.

PAPI là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển – Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam từ năm 2009 cho tới nay, cùng với sự hỗ trợ của các đối tác trong suốt quá trình triển khai thực hiện nghiên cứu, gồm Trung tâm Công tác lý luận và Tạp chí Mặt trận thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (từ năm 2009 – 2012), Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (trong năm 2012), và Trung tâm Bồi dưỡng cán
bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (từ năm 2013). Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA) tham gia hỗ trợ kỹ thuật nền tảng công nghệ cho việc thu thập dữ liệu theo thời gian thực từ năm 2015 đến nay.

Sau hai năm thử nghiệm lần lượt với ba tỉnh trong năm 2009 và 30 tỉnh trong năm 2010, các chỉ số, chỉ báo của PAPI ngày càng được hoàn thiện. Năm 2011, nghiên cứu PAPI lần đầu tiên được triển khai trên toàn quốc với sự tham gia của toàn bộ 63 tỉnh/thành phố và từ đó các chỉ báo chính được cố định để phục vụ việc so sánh kết quả qua các năm. Kể từ năm 2011 tới nay, PAPI không chỉ là một bộ chỉ báo hữu dụng phản ánh năng lực và hiệu quả quản trị ở cấp trung ương và cấp tỉnh, mà còn là công cụ đánh giá mức độ cải thiên của các cấp chính quyền qua
thời gian.

Việc ra đời của chỉ số PAPI với mục đích xuất phát chính từ yêu cầu trả lời những vấn đề đặt ra trong quá trình cải cách hành chính như: cơ chế nào để người dân tham gia tích cực và hữu hiệu vào công tác giám sát và phản biện xã hội? Làm thế nào để những tâm tư, nguyện vọng của người dân phản ánh thực sự được các cấp, các ngành lắng nghe nhằm hoàn thiện các chính sách và hành động trên tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”? Làm thế nào để tạo ra một môi
trường tương tác thân thiện hơn giữa người dân và bộ máy hành chính nhà nước?

PAPI có những ý nghĩa hết sức quan trọng,  không những thu thập thông tin kịp thời về những gì đang diễn ra trong công tác quản trị, hành chính công nói chung mà còn quan tâm tới những gì người dân đang trải nghiệm khi sử dụng dịch vụ của nền hành chính nhà nước. Với ý nghĩa là hỗ trợ quá trình cải cách về quản trị, hành chính công, cung ứng dịch vụ công. Góp phần thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; bởi lẽ, PAPI không những cung cấp thông tin khách quan về những trải nghiệm, các mối quan hệ của người dân với các cơ quan chính quyền địa phương, hay những vấn đề “dân biết”, mà còn là phương tiện hỗ trợ việc thảo luận, thẩm định đề xuất chính sách ở cấp trung ương, cấp địa phương nhằm tạo điều kiện để “dân bàn”. PAPI làm rõ những trải nghiệm thực tế của người dân, để từ đó các cấp chính quyền hành động phục vụ cho người dân và hiện thực hóa phương châm “dân làm”. PAPI còn là công cụ đánh giá hiệu quả thực tế của các cấp chính quyền bằng cách tạo điều kiện cho người dân thực hiện nghĩa vụ “dân kiểm tra”. Theo đó, PAPI đánh giá mức độ hiệu quả của quản trị và hành chính công cấp tỉnh thông qua 8 trục nội dung:

1. Tham gia của người dân ở cấp cơ sở;

2. Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương;

3. Trách nhiệm giải trình với người dân;

4. Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công;

5. Thủ tục hành chính công;

6. Cung ứng dịch vụ công;

7. Quản trị môi trường;

8. Quản trị điện tử.

Từ năm 2018, PAPI bao gồm 8 chỉ số nội dung, 28 nội dung thành phần và hơn 120 chỉ tiêu cụ thể. Trước đó, từ năm 2009 đến 2017, PAPI có 6 chỉ số nội dung, 22 nội dung thành phần và hơn 90 chỉ tiêu cụ thể.

Kết quả khảo sát PAPI trên địa bàn Bình Thuận

Ngày 02/4/2019, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức lễ công bố Báo cáo Chỉ số PAPI năm 2018, Chỉ số PAPI được khảo sát dựa trên 08 chỉ số nội dung (bổ sung mới 02 chỉ số nội dung so với năm 20171) với 28 chỉ số nội dung thành phần và 120 chỉ tiêu cụ thể. Tại Bình Thuận, việc khảo sát PAPI thực hiện tại 12 thôn, khu phố thuộc 06 xã, phường, thị trấn tại các huyện Đức Linh, Tuy Phong và thành phố Phan Thiết (xã Tiến Thành và phường Đức Thắng) với 240 người dân được chọn khảo sát và đây là năm thứ 3 của nhiệm kỳ 2016 – 2021 và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì lựa chọn các địa phương trên để khảo sát cho đến hết chu kỳ của nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Theo kết quả báo cáo thì Chỉ số PAPI năm 2018 của tỉnh Bình Thuận đạt 41,60/80 điểm – xếp thứ 59/61 tỉnh, thành thuộc Nhóm đạt điểm thấp
nhất (năm 2017 của tỉnh Bình Thuận đạt 34,83/60 – xếp thứ 54/63 tỉnh, thành). Kết quả khảo sát chung các nội dung như sau:

– Chỉ số Tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt  5,05 điểm, xếp thứ 46;

– Chỉ số Công khai, minh bạch trong ra quyết định đạt 4,64 điểm, xếp thứ 59;

– Chỉ số Trách nhiệm giải trình với người dân đạt 4,48 điểm, xếp thứ 61;

– Chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt 6,49 điểm, xếp thứ 32;

– Chỉ số Thủ tục hành chính công đạt 7,37 điểm, xếp thứ 35;

– Chỉ số Cung ứng dịch vụ công đạt 6,87 điểm, xếp thứ 49;

– Chỉ số Quản trị môi trường đạt 4,07 điểm, xếp thứ 51;

– Chỉ số Quản trị điện tử đạt 2,63 điểm, xếp thứ 54.

Giải pháp khắc khục để cải thiện nâng cao chỉ số PAPI

Trước những thực trạng và kết quả chỉ số PAPI như vậy, thực hiện Chỉ thị số 42 – CT/TU, ngày 05/7/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 3246/KH-UBND ngày 29/8/2019 của UBND tỉnh và Kế hoạch số 141 – KH/TU, ngày 30/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch ; theo đó, UBND thành phố đã tập trung triển khai và chỉ đạo nhiều nội dung, giải pháp nhằm khắc phục, cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh trên địa bàn thành phố, trong đó:

Tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến giúp cho cán bộ, công chức, viên chức nhận thức đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của chỉ số PAPI; xem đây là một nguồn thông tin có cơ sở khoa học, chỉ ra những việc làm được và chưa làm được, mức độ hiệu quả trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của bộ máy nhà nước; những phản ánh, ý kiến góp ý, cảm nhận và monh muốn của người dân về chất lượng phục vụ của bộ máy nhà nước, nhất là cấp cơ sở; qua đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức, tinh thần và thái độ trong thực thi
nhiệm vụ, phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan
nhà nước.

Khắc phục những nội dung hạn chế đã được chỉ ra qua kết quả khảo sát Chỉ số PAPI tại cơ sở; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, hướng dẫn và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho người đân và tổ chức, nhất là các chính sách, pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn thủ tục, giải quyết kịp thời các vướng mắc, phản ánh, kiến nghị của người dân và tổ chức; công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giám sát, tham gia góp ý xây dựng chính quyền gắn với đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Tập trung rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền hoặc theo thẩm quyền của cấp mình cắt giảm các thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; kịp thời công bố, công khai đầy đủ các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời, hướng dẫn cho người dân, tổ chức biết và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Bộ phận Tiếp nhận vả Trả kết quả cấp thành phố, cấp phường, xã; nhất là, trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Bằng nhiều hình thức phù hợp, tiếp tục thực hiện tốt việc công khai danh sách hộ nghèo; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; khung giá đền bù, thu hồi đất; việc thu, chi ngân sách cấp xã… để người dân hiểu, đồng thuận và giám sát việc thực hiện. Tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ công, nhất là các lĩnh vực: Y tế, giáo dục tiểu học công lập, đất đai, xây dựng, thu gom rác thải, vệ sinh môi trường… Tiếp tục nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, nhân rộng các mô hình “tự quản, tự phòng” trong phòng, chống tội phạm và
tệ nạn xã hội tại địa bàn dân cư.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt gắn với thường xuyên giáo dục, nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là số cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên tiếp xúc, tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp; chú trọng lựa chọn những cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống tốt, vui vẻ, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao để bố trí làm việc tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả ở các cấp trong trong thành phố; không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân; thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi tổ chức, cá nhân đối với các trường hợp trễ hẹn, sai sót trong giải quyết thủ tục hành chính.

Ngoài ra, UBND thành phố cũng đã phân công giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị thuộc thành phố và UBND các phường, xã nhằm góp phần khắc phục, cải thiện và nâng cao hiệu quả Chỉ số PAPI cấp tỉnh trên địa bàn thành phố.

Bài, ảnh: Minh Đăng.

Theo http://phanthiet.gov.vn/

Highlights
GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC, CẢI THIỆN VÀ NÂNG CAO CHỈ SỐ PAPI CỦA TỈNH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ PHAN THIẾT - PAPI
Đăng ký Email

để tham dự lễ công bố báo cáo PAPI 2019